Các mạng xã hội hiện nay được ví như những chú cá mập tranh giành món mồi bé nhỏ trong một đại dương đỏ đầy rẫy đối thủ cạnh tranh. Có gì ngon lành ở miếng mồi ấy khiến các chú cá này lao tâm khổ tứ như vậy? Và một điều quan trọng là tương lai của đại dương đỏ này sẽ ra sao?
Công ty Nghiên cứu Thị trường FTA đã công bố những số liệu có thể làm nản lòng các ông chủ mạng xã hội. Đó là lượng người truy cập internet không dùng mạng xã hội trong 3 tháng đầu năm 2009 tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội tăng khoảng 30%. Tại Đà Nẵng và Cần Thơ, tỉ lệ này lên đến 60%. 76% giới trẻ từ 17 đến 30 tuổi không muốn tăng thêm thời gian vào mạng xã hội. Tần suất sử dụng mạng xã hội tại các đô thị lớn của Việt Nam cũng chỉ đạt trung bình 5,72 lần/tuần/người (trong khi các hoạt động như đọc tin tức là 9 lần/tuần và chat là 8 lần/tuần).
Số liệu từ FTA đã cho thấy thời kỳ đầu phát triển chật vật của mạng xã hội tại Việt Nam. Lượng truy cập còn hạn chế, việc kinh doanh thì xem ra lượm bạc cắc. Nếu các nhà kinh doanh luôn nằm lòng công thức “chi một đồng, thu về nhiều đồng” thì trớ trêu thay, phần lớn các ông chủ mạng xã hội tại Việt Nam đều cho biết, họ chỉ mong thu về 1 đồng. Thế nhưng, mức lợi nhuận kỳ vọng này dường như đang mâu thuẫn với sự ra đời của hàng trăm mạng xã hội tại Việt Nam.
Phần mềm Ninja xin hướng dẫn 1 số nội dung sau:
Ăn theo trào lưu
Theo định nghĩa của từ điển bách khoa mở Wikipedia, mạng xã hội là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên internet với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian hoặc thời gian.
Ra đời năm 1995 nhằm mục đích kết nối bạn bè trong các lớp học, Classmates.com là mạng xã hội đầu tiên trên thế giới. Năm 1997, mạng xã hội SixDegrees.com “trình làng” với mục đích giúp mọi người giao lưu kết bạn. Năm 2002, Friendster.com được sinh ra. Đến năm 2004, MySpace.com xuất hiện. Mạng xã hội này đã làm nên kỷ lục có nhiều lượt truy cập hơn cả “ông trùm” Google. Năm 2006, Facebook.com hình thành, tạo thêm bước ngoặt mới cho hệ thống mạng xã hội trực tuyến, cho phép thành viên tham gia tạo ra những công cụ mới theo ý thích của mình. Nhưng 2007 mới là năm có nhiều “biến cố” lớn đối với mạng xã hội, vì từ đây một làn sóng mạng xã hội với tính liên kết mạnh mẽ được hình thành.
Cụ thể, năm 2007, nhiều vụ sáp nhập, mua lại các mạng xã hội với giá trị lên đến hàng tỉ USD đã diễn ra một cách sôi động, tiêu biểu như việc Yahoo! dòm ngó mua Facebook. Bên cạnh đó, Facebook và Myspace, hai “đại gia” mạng xã hội cũng có động thái liên kết với các công ty công nghệ giải trí quảng cáo trực tuyến.
Trào lưu mạng xã hội ấy lan nhanh đến Việt Nam, kéo theo sự ra đời của các mạng Clip.vn, Yobanbe.zing.vn, Cyworld.vn lần lượt vào năm 2007. Ba mạng xã hội này được xem như đại diện tiên phong cho trào lưu web 2.0 (một thuật ngữ được dùng để mô tả về xu hướng phát triển của web, có tính tương tác cao hơn so với web l.0) tại Việt Nam, tạo nên làn sóng mới cho giới trẻ Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin và giải trí. Cho đến nay, không thể đếm hết hàng trăm mạng xã hội đang tồn tại hoặc đã rời khỏi thị trường “không kèn không trống”.
Tại Việt Nam, Yahoo!360.com hiện là mô hình mạng xã hội có số lượng thành viên đông đảo nhất. Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu Thị trường TNS Media, 85% lượng người được khảo sát trong độ tuổi trên 15 ở 4 thành phố là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ thường đăng nhập vào mạng Yahoo!360, trong khi YouTube.com chỉ có 48%, Google Groups là 27%, còn Myspace và Facebook chỉ khoảng 5%.
Mạng xã hội Yahoo!360 dựa trên nền tảng blog, giúp người dùng tạo blog. Bên cạnh Yahoo!360 có thể kể đến các mạng xã hội cùng dạng blog như Vietspace, Yobanbe.zing.vn. Blog là hình thức mạng xã hội phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong 3 năm qua.
Nhưng để tồn tại, nhiều mạng xã hội không chỉ tập trung vào nền tảng blog mà còn tìm đến các thị trường nghách. Chẳng hạn, đang tồn tại nhóm mạng xã hội đa phương tiện (Cyworld.vn, Clip.vn, Mkool.zing.vn, Ringring.vn,Vimusic.vn), mạng xã hội có chức năng nghề nghiệp (Cyvee.com, Caravat.Com), mạng xã hội có thực hiện giao dịch thương mại (Youshop.vn, Vimua.vn), mạng xã hội tích hợp internet và mạng điện thoại di động (Vihuni.com), các mạng xã hội dạng khác (Vibeyeu, vicongdong.vn).
Cuộc đối đầu của 3 đại gia
Cạnh tranh sôi nổi nhất vẫn nằm trong nhóm mạng xã hội dựa trên nền tảng blog và nhóm mạng xã hội đa phương tiện. Ở đó, điểm mạnh và điểm yếu của các đại gia trong nước lẫn quốc tế được bộc lộ rõ nét. Có thể “mổ xẻ” 3 đại diện tiên phong của web 2.0 tại Việt Nam.
Yobanbe.zing.VN
Nhìn chung các ông chủ mạng xã hội “made in Vietnam” đang “nhại” theo mô hình thành công trời Tây. Từ bản gốc Facebook, các phiên bản “mô phỏng” đã lần lượt ra đời ở Việt Nam như Tamtay.vn, Faceviet.com, Zoomban.vn, Guongmat.com, noi.vn, Yousecond.com, Thegioiban.com… Yobanbe của VinaGame cũng thế. Mạng xã hội này có cấu trúc khá giống Yahoo!360, thân thiện với người Việt Nam, phục vụ đối tượng chính là các blogger.
Có 3 nhóm blogger mà các mạng xã hội có thể nhắm đến. Đó là nhóm cao cấp (số ít những người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế được blog theo ý riêng với tên miền riêng); “nhóm trung cấp” (những người làm việc trong ngành khác, biết web, nhưng không thể dựng một blog riêng) và nhóm bình dân ( đa số người sử dụng blog không có kiến thức web).
Yahoo!360 và Yobanbe đều không tập trung vào nhóm cao cấp vì không thể cung cấp những tính năng vượt trội để thu hút các blogger chuyên nghiệp. Vì thế, bên cạnh sự tương đồng về cấu trúc, Yobanbe còn phải cạnh tranh khốc liệt với Yahoo!360 khi cùng nhắm đến 2 nhóm đối tượng: trung cấp và bình dân.
Giải pháp nào để một mạng nội địa có thể cạnh tranh với người khổng lồ đến từ trời Tây? Chính là sự khác biệt. Nếu Yahoo!360 không thể giúp người dùng tạo ra những blog độc đáo thì Yobanbe có lẽ nên cung cấp một công cụ tùy biến thay đổi giao diện blog. Hoặc nếu Yahoo!360 với thế mạnh tích hợp với Yahoo! Messenger như một giá trị gia tăng thì Yobanbe có thể nghĩ đến việc phát triển những sự kiện trực tuyến như tổ chức các cuộc thi bài viết hay cho blogger, mời người nổi tiếng vào mạng xã hội nhằm thu hút người truy cập.
Clip.vn
Trong khi Yobanbe phỏng theo Yahoo!360 thì Clip lại mang hơi hướng của YouTube. Clip là mạng xã hội đa phương tiện của Tập đoàn Công nghệ Vega (Việt Nam). Không dựa trên nền tảng blog như Yobanbe, người truy cập Clip chủ yếu trao đổi với nhau thông qua các đoạn phim.
Giống như YouTube, mạng xã hội đa phương tiện như Clip có khả năng thu hút lượng truy cập lớn không thua kém mạng xã hội dựa trên nền tảng blog, nhưng Clip đang phải đối mặt với nhiều vấn đề quan trọng nhất là bản quyền, sau đó vì nội dung. Nội dung cho phép upload (tải dữ liệu lên mạng) bị hạn chế, vì Clip.vn hoạt động theo giấy phép về quản lý và cấp phép cung cấp thông tin, thiết lập trang thông tin điện tử trên internet (giấy phép ICP) của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch). Như vậy, người quản trị mạng của Clip phải kiểm tra nội dung một cách thủ công cho từng đợt upload. Nhưng liệu điều này có khả thi khi càng ngày số lượng Clip được upload lên càng nhiều? Câu trả lời vẫn còn là bài toán cho các nhà kinh doanh mạng xã hội đa phương tiện.
Cyworld.vn
Một cao thủ khác trong “bộ ba” tiên phong web 2.0 tại Việt Nam là Cyworld, một mạng xã hội cũng đang làm mưa làm gió tại Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan với phong cách chẳng giống ai. Cyworld được Việt hóa và chính thức hoạt động tại Việt Nam từ tháng 9.2007 với sự hỗ trợ của Quỹ Đầu tư IDG Việt Nam và Công ty SK Communications (Hàn Quốc).
Cyworld có xuất xứ từ Hàn Quốc với hơn 20 triệu người sử dụng (tương đương 40% dân số của quốc gia này). Cyworld thu hút khoảng 20 tỉ đợt truy cập/ tháng, đứng thứ 2 thế giới về doanh thu bán các bài hát qua mạng (sau iTunes) và cao hơn cả YouTube về lượng thành viên upload nội dung. Cyworld dựa trên nền tảng blog nhưng mang một phong cách riêng biệt, rất Hàn Quốc. Nó có các tính năng khá ấn tượng gồm Minime (nhân vật đại diện cho người tham gia, tương tự như avatar của Yahoo!), Minihome (ngôi nhà ảo) và Miniroom (căn phòng ảo) do người dùng tạo ra theo ý thích của mình. Cyworld còn có các tính năng phổ biến tại các mạng xã hội khác như tạo nhật ký, thư viện hình ảnh, âm nhạc, chat, mua sắm những vật dụng áo bằng “tiền” là những hạt dẻ được lưu hành trên Cyworld.
Dù Cyworld chủ yếu nhắm vào cộng đồng tuổi teen với phong cách lãng mạn theo kiểu Hàn Quốc, không đại trà như Yahoo!360 nhưng rõ ràng nó vượt trội hơn hẳn so với một blog thông thường như Yahoo!360.
Vậy, liệu các mạng xã hội dạng blog và đa phương tiện mà đơn cử là 3 đại diện Yobanbe, Cyworld và Clip có thể có cuộc “đổi ngôi” ngoạn mục sau khi Yahoo!360 đóng cửa để chuyển sang Yahoo!360 Plus được Việt hóa, dành riêng cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới?
Một nhà kinh doanh mạng xã hội phân tích: “Việc Yahoo!360 đóng cửa để chuyển sang Yahoo!360 Plus có thể sẽ dẫn tới kết cục không không tốt. Việc “đóng cửa” trang này có thể làm 30% thành viên bị “sốc”, không muốn chuyển qua dùng Yahoo! 360 Plus mà chạy qua các mạng xã hội khác”. Ai sẽ nhanh chân nắm bắt cơ hội này? Yobanbe? Cyworld? Clip? Hay một kẻ đang ẩn nấp nào khác? Rõ ràng, cơ hội đang đươc chia đều cho tất cả, nhưng kẻ mô phỏng Yahoo!360 1à Yobanbe có lẽ là ứng viên sáng giá đầu tiên.
1% cũng không phải dễ!
Gian truân không thua các mạng xă hội dạng blog và đa phương tiện là những mạng xã hội có chức năng nghề nghiệp như Cyvee.com, Caravat. Đối tượng mục tiêu của Cyvee.com là giới nhân viên văn phòng, doanh nhân, chuyên gia. Các tính năng chủ yếu của Cyvee.com gồm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các thành viên và một số chức năng hỗ trợ tìm việc làm như đăng hồ sơ và lý lịch của thành viên. Trong khi đó, Caravat mang những tính năng cơ bản của một mạng xă hội nghề nghiệp như kiểu LinkedIn.com. Dù có những chức năng nghề nghiệp, cả Cyvee.com và Caravat đều hướng đến cộng đồng thành viên chung, không phân chia đối tượng nhà tuyển dụng và ứng viên. Khả năng kinh doanh của mô hình mạng xã hội có chức năng nghề nghiệp như thế nào?
Theo ông Thomas Fletcher, chuyên viên phát triển ứng dụng cho Facebook, một nhà đầu tư khi tham gia kinh doanh mạng xã hội có chức năng nghề nghiệp thường phải đối mặt với “bài toán 1%”. Giải bài toán này đã khó, nhưng điều đáng nói là dường như chính người trong cuộc đôi khi cũng khó hình dung họ có một bài toán như thế!
Thông thường, các nhà kinh doanh mạng xã hội nghề nghiệp dễ đánh đồng 2 mô hình “mạng xã hội nghề nghiệp dành cho cộng đồng, không phân chia nhà tuyển dụng và ứng viên” với “mạng xã hội nghề nghiệp có phân loại nhà tuyển dụng và ứng viên”. Họ quên rằng nhà tuyển dụng và ứng viên (2 đối tượng chính trong mạng xã hội nghề nghiệp) có những nhu cầu khác nhau, trong đó, đối tượng “ứng viên” đóng vai trò quan trọng hơn cả trong việc tạo ra nội dung có giá trị cho mạng.
Thomas Fletcher đã chỉ ra rằng, với đặc thù mạng xã hội nghề nghiệp, chỉ có 1% thành viên tạo ra giá trị thường xuyên cho mạng xã hội: 9% thành viên tạo ra nội dung có giá trị nhưng không thường xuyên và có 90% không tạo ra giá trị gì cả. Con số 1% ít ỏi này càng khiến các nhà kinh doanh mạng xã hội nghề nghiệp bị áp lực trong giữ chân các nhóm thành viên tạo giá trị tốt và thường xuyên nhất, chủ yếu là đối tượng “ ứng viên”.
Song, việc giữ chân ứng viên trên các mạng xã hội nghề nghiệp không hề dễ dàng. Có thể phân tích trường hợp một mạng xã hội giả định có tên A.
Thời gian đầu ra mắt, sự mới lạ của loại hình mạng xã hội nghề nghiệp, cộng với hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo, mạng A có thể thu hút khá mạnh lượng ứng viên truy cập. Vì thế, giai đoạn này, tốc độ gia tăng lượng truy cập cao hơn tốc độ gia tăng giá trị thương hiệu của A. Nhưng đến một giai đoạn nào đó, tốc độ gia tăng lượng truy cập sẽ giảm dần, tốc độ gia tăng giá trị thương hiệu lại cao hơn tốc độ gia tăng lượng truy cập.
Vậy, nếu không cân nhắc chiến lược lâu dài nhắm vào đối tượng ứng viên mà cứ tiếp tục đầu tư vào tiếp thị để làm tăng giá trị thương hiệu, mạng xã hội A sẽ sớm đối mặt với tình trạng giá trị thương hiệu vẫn tăng, nhưng kéo theo ngân sách tiếp thị tăng, trong khi số thành viên là ứng viên sụt giảm nghiêm trọng. Như vậy, 1% giá trị cốt lõi được mang lại từ ứng viên không còn nguyên vẹn, từ đó ảnh hưởng tới sức hút của mạng đối với nhà tuyển dụng.
Nhặt bạc cắc?
Dù theo hình thức nào thì đích đến của các mạng xã hội vẫn là lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận đó đến từ đâu và khả năng đạt lợi nhuận như thế nào?
Có nhiều hình thức kiếm tiền đã được các mạng xã hội tại Việt Nam triển khai. Thứ nhất là quảng cáo trực tuyến bao gồm quảng cáo đa phương tiện, PR trực tuyến (phần lớn các mạng xã hội đều áp dụng như Clip.vn, Cyworld.vn, Zing.vn, Yume.vn). Thứ hai là phí tài sản ảo từ mạng xã hội (như Cyworld.vn, Play.zing.vn, Henantrua.vn) và thứ ba là phí dịch vụ (như Henantrua.vn với phí đặt mua dịch vụ, Ringring.vn với phí giao dịch).
Dù nguồn thu lớn nhất của các mạng xã hội đến từ quảng cáo trực tuyến nhưng trên thực tế thị phần quảng cáo dạng này không “ngon ăn”.
Theo số liệu từ Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, doanh thu của thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1,8% tổng doanh thu của ngành quảng cáo trong năm 2008. Phần lớn nguồn thu này lại nằm trong tay các trang báo điện tử lớn, trong khi các mạng xã hội lại cố “giành giật” mẩu bánh thị phần rất nhỏ còn lại.
Có hàng trăm mạng xã hội đang tồn tại trong một dung lượng thị trường quảng cáo trực tuyến chỉ khoảng vài chục tỉ đồng. Nếu chia đều thì mỗi ông chủ mạng xã hội sẽ giành được chưa đến 500 triệu đồng/ năm. Trong khi đó, nếu tìm doanh thu thông qua cước phí dịch vụ (gọi nôm na là lấy tiền từ thành viên tham gia) cũng không kém phần gian nan. Chẳng hạn, cyworld buộc thành viên phải mua “hạt dẻ” (đơn vị tiền của Cyworld) nếu muốn sở hữu một ứng dụng trên mạng này. Ông Đào Minh Tân, giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty Đăng Hồ, sở hữu Cyvee.com, đánh giá: “Chưa thể trông chờ vào doanh thu từ phí dịch vụ vì phần lớn người dùng internet tại Việt Nam chưa có thói quen chi tiêu cho thế giới ảo, tâm lý xài hàng miễn phí vẫn còn lớn”.
Quảng cáo trực tuyến chỉ là cơ hội “nhặt bạc cắc”, còn thu phí từ thành viên lại không hề dễ dàng, trong khi ngân sách đầu tư cho một mạng xã hội có khả năng thu hút đến triệu người dùng khá lớn, giá chót cũng vài trăm ngàn USD. Đó là chưa kể đến chi phí để duy trì bộ máy nhân sự, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường truyền… Vì thế khả năng nhà đầu tư cạn vốn, hoạt động mang tính cầm cự nên dần mất khả năng cạnh tranh hoặc đành rút khỏi thị trường là rất cao. Có lẽ không ngoa khi một ông chủ mạng xã hội đã bộc bạch rằng tương lai mạng xã hội Việt Nam chỉ còn vài “đại gia” trụ lại được.
Ông Paul Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Công ty VON, đơn vị chủ quản của Yume.com, mạng xã hội thu hút hơn 1 triệu người tham gia chỉ sau gần một năm gia nhập thị trường, cũng cho rằng, ít nhất phải sau 5 năm các mạng xã hội mới có thể hòa vốn. Còn hiện tại, không còn cách nào khác, nhà đầu tư như ông Paul vẫn tiếp tục rót tiền để duy trì và phát triển Yume. Một chủ mạng xã hội khác tại TP.HCM cũng đồng ý với quan điểm này và còn khẳng định chắc nịnh: “100% mạng xã hội hiện nay chưa hòa vốn!”
Ông Hồ Quang Khánh, chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đăng Hồ, sở hữu mạng xã hội Cyvee.com, cho biết thêm, để một mạng xã hội duy trì được hoạt động cần một lượng vốn đầu tư rất lớn. “Để tồn tại và phát triển được các mạng xã hội cần có sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm”, ông nói.
Đề cập đến hiệu quả các khoản đầu tư vào mạng xã hội, trong đó có Cyvee.com đến thời điểm này, ông James Vuong, Giám đốc Đầu tư và Công nghệ, Quỹ Đầu tư IDG, cho biết: “Mạng xã hội đem đến cho người dùng những thứ mới mẻ mà trước kia họ chưa biết hoặc chưa quan tâm, nghĩa là thay đổi thói quen của họ. Để làm được điều này cần rất nhiều thời gian. IDG hiểu điều này nên luôn hướng đến giá trị trong dài hạn khi đầu tư vào các mạng xã hội”.
Khi được hỏi về rủi ro trong đầu tư mạng xã hội, ông cũng không đề cập một cách trực tiếp mà chỉ cho biết: “Rủi ro là bạn không xây dựng được sản phẩm được nhiều người mong đợi, không cạnh tranh nổi với đối thủ, mô hình kinh doanh thiếu hiệu quả, không xây dựng được đội ngũ nhân sự tốt”.
Từ đây thấy rằng, trong giai đoạn từ nay đến 2010, có lẽ nhiệm vụ của các mạng xã hội chỉ là thu hút người dùng, tạo sự trung thành nơi họ,hơn là nghĩ đế chuyện hòa vốn và có lãi. Hầu hết các ông chủ mạng xã hội đều cho rằng, lợi nhuận là mục tiêu của tương lai.
Mạng ảo, phát triển thật?
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy hai yếu tố quyết định tương lai của các mạng xã hội tại Việt Nam là số lượng người dùng và khả năng thương mại hóa. Một điều dễ hiểu là số lượng người dùng tăng sẽ làm gia tăng thương mại hóa của trang web và ngược lại. Nhưng nhiều nhà tiếp thị, những người đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chọn mạng xã hội như một kênh quảng cáo, lại e dè về cái gọi là “số lượng người dùng” trong thế giới ảo.
Không ít nhà tiếp thị được khảo sát cho rằng, họ không mấy tin tưởng vào số lượng người dùng được công bố. Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải N.T.N kể về kinh nghiệm của ông. Một lần ông Minh định kiểm tra lưu lượng truy cập thử vài mạng xã hội để quyết định chọn đăng quảng cáo trực tuyến cho N.T.N. Ông đăng nhập Alexa.com, trang web chuyên đo lường lượng truy cập của các website để tìm hiểu lượng truy cập của 3 mạng xã hội Cy., Viet.,Yo, mà ông muốn quảng cáo. Dù phương pháp thống kê của Alexa.com còn nhiều vấn đề gây tranh cãi, nhưng nhìn chung đây vẫn là công cụ đo lường cơ bản của các nhà tiếp thị. Kết quả ông Minh thu được từ Alexa là lượng truy cập của Cy. bỏ xa Viet. và Yo. Nhưng khi nhìn vào số liệu từ một công ty nghiên cứu thị trường thì kết quả hoàn toàn ngược lại, còn số liệu được chính các mạng xã hội cung cấp cho ông lại đưa ra những con số lớn khó mà tin được.
Nếu căn cứ vào số lượng thành viên để khẳng định mức độ thành công và khả năng thương mại hóa của một mạng xã hội, rõ ràng các ông chủ mạng xã hội càng phải cân nhắc hơn nữa đến bài toán giữ chân người dùng.
Doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 1,8% tổng doanh thu quảng cáo. Phần lớn nguồn thu này lại nằm trong tay các trang báo điện tử lớn. Các mạng xã hội chỉ cố “giành giật” mẩu bánh thị phần rất nhỏ còn lại.
Để bán hàng trên facebook hiệu quả mời xem thêm: Phần mềm Facebook Ninja , Facebook Ninja
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
Bộ giải pháp Phần mềm Ninja - phần mềm Marketing giúp Doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng và phủ sóng marketing mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội.Vui lòng gọi điện đến Hotline để được cài đặt và sử dụng NGAY HÔM NAY. Hotline: 0865 618 122 – Mr. Mạnh
Đừng quên Follow các kênh mới nhất của chúng tôi để nhận được thông tin hấp dẫn.
Telegram: @manhmarketing
Youtube : https://www.youtube.com/channel/UCEcQabeWxi0kz4gZcb5eAOg
Fanpage: https://www.facebook.com/phammemmarketingonline
Facebook Admin: https://www.facebook.com/ngvannmanh/